loi, bai, hat, lời bài hát

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

vi phạm hành chính


a, Định nghĩa vi phạm hành chính

Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.


Theo nguyên tắc hành vi, Luật hành chính Việt Nam không đặt vấn đề trách nhiệm hành chính đối với những khuynh hướng tư tưởng của con người, không đặt vấn đề trách nhiệm hành chính đối với cả biểu hiện ra bên ngoài mà không phải hành vi.
Hành vi vi phạm được xác định thông qua bốn đặc điểm: Tính xâm hại nguyên tắc quản lý nhà nước; tính có lỗi; tính trái pháp luật hành chính; tính chịu xử phạt vi phạm hành chính.

 b, Các đặc điểm của vi phạm hành chính

  * Tính xâm hại các quy tắc quản lý nhà nước.
Đây là một đặc điểm riêng của vi phạm hành chính. Tính chất, mức độ xâm hại khác với tính nguy hiểm cho xã hội theo quan niệm của luật hình sự.
  Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 đã nêu rõ “khi xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự”. Do đó, có thể khẳng định vi phạm hành chính không phải là tội phạm mà là hành vi xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại các quan hệ xã hội trong quản lý nhà nước.
  Khi nói đến tính xâm hại quy tắc quản lý nhà nước tức là nói đến khả năng vi phạm đến trật tự quản lý nhà nước, làm tổn hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật hành chính bảo vệ.
  Tính xâm hại các quy tắc quản lý nhà nước là một dấu hiệu của vi phạm hành chính. Điều này thể hiện rõ ý chí của nhà nước trong quan niệm về vi phạm hành chính, nó nói lên tính giai cấp, tính xã hội của pháp luật hành chính trong việc đưa ra các quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
  * Tính có lỗi của vi phạm hành chính.
Lỗi là dấu hiệu cơ bản trong mặt chủ quan của vi phạm hành chính, là dấu hiệu bắt buộc phải có trong mọi hành vi do cá nhân thực hiện. Hành vi vi phạm được coi là có lỗi thể hiện ở ý thức của người vi phạm tức là người vi phạm biết được tính xâm hại cho quan hệ xã hội của hành vi trái pháp luật. Nếu không nhận thức được tính xâm hại cho cho quan hệ xã hội của hành vi thì không có lỗi.
  * Tính trái pháp luật hành chính.
Vi phạm hành chính là hành vi xâm hại các quy tắc quản lý nhà nước các quy tắc này do pháp luật hành chính quy định (Ví dụ: Không đăng ký kết hôn hoặc không đăng ký hộ khẩu). Do đó vi phạm hành chính là hành vi xâm hại các trật tự quản lý xã hội do Luật hành chính bảo vệ.
  Một hành vi được coi là trái pháp luật khi hành vi đó không phù hợp với yêu cầu của quy phạm pháp luật hoặc là đối lập với yêu cầu đó.
Hành vi hành chính được biểu hiện ra bên ngoài bằng hành động hoặc không hành động. Ví dụ: hành động lái xe quá tốc độ quy định hoặc hành vi không hành động như không khai sinh.
Như vậy, tính trái pháp luật hành chính thể hiện ở chổ hành vi vi phạm đó phải xâm hại đến quan hệ xã hội được Luật hành chính bảo vệ.
Nếu một hành vi trái pháp luật nhưng không do Luật hành chính điều chỉnh thì không phải vi phạm hành chính.
Một hành vi xâm hại một quan hệ xã hội nhưng không được pháp luật bảo vệ và cũng không được Luật hành chính bảo vệ thì cũng không phải là vi phạm pháp luật hành chính.                                                        
  * Tính bị xử phạt hành chính.
Đây là một dấu hiệu của vi phạm hành chính, nó được xem là thuộc tính của vi phạm hành chính. Điều này được thể hiện ngay trong định nghĩa vi phạm hành chính (theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính).
Dấu hiệu này vừa có tính quy kết vừa là thuộc tính của vi phạm hành chính. Tính quy kết thể hiện ở chỗ có vi phạm hành chính thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Thuộc tính thể hiện ở chổ phải theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.
Như vậy một hành vi xâm hại quy tắc quản lý nhà nước trái pháp luật hành chính nhưng pháp luật hành chính không quy định phải bị xử phạt thì không gọi là vi phạm hành chính. Điều này cho thấy sự khác biệt giữa vi phạm hành chính và các loại vi phạm pháp luật khác.
Trong thực tế có nhiều hành vi xâm hại các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước trái pháp luật hành chính, nhưng lại không có văn bản quy định xử phạt cho nên không thể coi là vi phạm hành chính. Ví dụ: đánh mất giấy phép hành nghề mà không khai báo, không tham gia bảo hiểm nghề nghiệp cho luật sư, tự ý thay đổi tên gọi hay trụ sở mà không báo cho cơ quan có thẩm quyền.
Điều này khác với tính chịu hình phạt của tội phạm ở tội phạm dấu hiệu này chỉ mang tính quy kết, chứ không phải là thuộc tính.

vi phạm hành chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét