loi, bai, hat, lời bài hát

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

khái niệm đối tượng phương pháp điều chỉnh luật lao động


a, Đối tượng điều chỉnh của Luật lao động
Đối tượng điều chỉnh của mỗi ngành luật là một hoặc một nhóm những quan hệ xã hội cùng loại. Luật lao động là một ngành luật điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động.


Quan hệ lao động là quan hệ giữa người với người trong quá trình lao động. Quan hệ lao động tồn tại phụ thuộc vào một hình thái kinh tế xã hội nhất định. Song bất kỳ hình thái kinh tế xã hội nào, quan hệ lao động đều có những yếu tố giống nhau như: thu hút con người tham gia lao động, phân công và hiệp tác lao động, đào tạo và nâng cao trình độ lao động, các biện pháp duy trì kỷ luật lao động, bảo đảm điều kiện lao động, phân phối sản phẩm và tái sản xuất sức lao động.
Luật lao động chủ yếu điều chỉnh nhóm quan hệ lao động phát sinh giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động thông qua giao kết hợp đồng lao động. Trong quan hệ này người lao động chỉ là người bán sức lao động bị phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có toàn quyền trong việc tuyển chọn lao động, tăng giảm lao động căn cứ theo nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị. Giữa người sử dụng lao động và người lao động được gắn kết bằng việc mua bán sức lao động. Có thể nói, quan hệ lao động được hình thành thông qua hình thức giao kết hợp đồng được xem là loại quan hệ đặc biệt và tiêu biểu trong nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, nhóm quan hệ đối với công chức, viên chức nhà nước, người giữ các chức vụ được bầu, cử hoặc bổ nhiệm, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, người thuộc các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội khác và xã viên hợp tác xã tuỳ từng trường hợp mà được áp dụng Luật lao động.
Quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động là những quan hệ phát sinh từ những quan hệ lao động bao gồm các quan hệ sau:
- Quan hệ về việc làm và học nghề;
- Quan hệ giữa công đoàn với người sử dụng lao động;
- Quan hệ về bảo hiểm xã hội;
- Quan hệ về bồi thường thiệt hại trong quá trình lao động;
- Quan hệ giải quyết tranh chấp lao động;
- Quan hệ quản lý, thanh tra nhà nước về lao động và xử lý các vi phạm pháp luật lao động.

  b, Phương pháp điều chỉnh của Luật lao động

Phương pháp điều chỉnh của Luật lao động là những biện pháp, cách thức mà nhà nước sử dụng để tác động lên quan hệ lao động và quan hệ liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm của đối tượng điều chỉnh, Luật lao động sử dụng các phương pháp điều chỉnh sau: phương pháp thỏa thuận, phương pháp mệnh lệnh và phương pháp tác động của tổ chức công đoàn.
  Thứ nhất, phương pháp thỏa thuận. Thỏa thuận được hiểu là sự tự do thể hiện ý chí của các chủ thể khi tham gia xác lập quan hệ lao động. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu trong quá trình xác lập quan hệ lao động (cá nhân, tập thể), thương lượng, ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động,...
  Thứ hai, phương pháp mệnh lệnh. Phương pháp mệnh lệnh thể hiện quyền uy của người sử dụng lao động đối với người lao động trong khuôn khổ pháp luật quy định. Phương pháp mệnh lệnh được sử dụng trong các trường hợp sau: Tổ chức và quản lý lao động, xác định nghĩa vụ của người lao động, quy định quyền năng cho người sử dụng lao động (bố trí điều hành người lao động, khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm kỷ luật lao động).
  Thứ ba, phương pháp tác động của tổ chức công đoàn. Đây là phương pháp điều chỉnh đặc thù của Luật lao động. Khi tham gia vào quan hệ lao động, tổ chức Công đoàn được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động khi thỏa thuận hợp đồng lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động,...

c, Khái niệm Luật lao động

Qua việc phân tích đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật lao động, có thể định nghĩa: Luật lao động là một ngành luật bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động, hình thành trên cơ sở giao kết hợp đồng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

khái niệm đối tượng phương pháp điều chỉnh luật lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét